Đa dạng thiết bị trợ giảng

Đa dạng thiết bị trợ giảng

18/02/2017

Làm nghề dạy học, những giáo viên, giảng viên thường xuyên phải nói liên tục trong nhiều giờ. Bất kể lớp học đông hay ít học sinh, ồn ào hay trật tự nghe giảng, mỗi lần đứng lớp, giáo viên vẫn phải gắng sức nói thật to để đủ truyền đạt kiến thức cho học sinh, sinh viên của mình. Để hỗ trợ những người trực tiếp giảng dạy, thời gian gần đây nhiều loại thiết bị trợ giảng được đưa vào sử dụng trong các lớp học. Những thiết bị này phần nào giúp bảo đảm sức khỏe cho giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy.

Thị trường thiết bị trợ giảng đa dạng cả về chủng loại, mẫu mã, giá thành… Người tiêu dùng có thể lựa chọn các dòng sản phẩm của hãng V-Plus, Samlap (của Đài Loan), Takstar, Camac (của Hàn Quốc) hay một số thương hiệu khác có xuất xứ từ Ma-lai-xi-a như Shupu … Máy trợ giảng gồm 3 phần cơ bản: micro không dây, bộ thu- phát sóng và loa. Công suất thiết bị dao động từ 10w tới 120w(oát) . Tùy vào các yếu tố thực tế như số lượng học sinh, diện tích phòng học, nội dung bài giảng, người sử dụng có thể lựa chọn loại phù hợp.

Nhiều loại thiết bị trợ giảng được bày bán trong các cửa hàng điện máy.

Anh Nguyễn Trung Kiên, nhân viên tư vấn công ty CK company cho biết: “Với phòng học có diện tích 40 - 50 m2, một máy trợ giảng công suất 50 tới 75 oát đủ để hỗ trợ giáo viên trong giảng dạy”. Khách hàng có thể lựa chọn các dòng V-Plus V20, Samlap SM1060, có giá thành từ 3 tới 5 triệu đồng. Sản phẩm có thể chạy ắc quy khô hoặc chạy trực tiếp bằng điện 220V. Những dòng máy này thường được trang bị thêm chức năng đọc và ghi âm băng cát-xét. Chế độ âm thanh có thể điều chỉnh ở 5 mức, từ 80-130 đề-xi-ben.

Đối với các lớp tập huấn ngoài trời, người tiêu dùng có thể sử dụng các dòng máy V-Plus V20, Mipro MA 101. Máy có công suất trên 120w (oát) kèm theo bộ 2 micro không dây, một cho người đứng lớp, một cho học viên. Máy có giá thành dao động từ 5 tới 9 triệu đồng. Do chủ yếu hoạt động ngoài trời nên các dòng máy này được trang bị vỏ thép không gỉ, chịu mưa nắng và bánh xe để tiện di chuyển. Bộ lưu điện của máy được sạc trực tiếp bằng điện nguồn từ 110 tới 260V, sử dụng liên tục trên 10 giờ. Ngoài ra, một số thiết bị trợ giảng cao cấp còn được trang bị các tính năng ưu việt khác như đọc trực tiếp thẻ nhớ, đĩa DVD, phát tiếng thông qua công nghệ không dây,… Những thiết bị được trang bị tính năng này thường có giá cao hơn 20-30% so với các dòng máy trợ giảng thông thường.

Bên cạnh các thiết bị trợ giảng cồng kềnh chuyên đáp ứng nhu cầu giảng dạy trong không gian lớn, những phòng học diện tích nhỏ, số học sinh ít, giáo viên cũng có thể tìm mua các sản phẩm di động khác như Camac 9288, Takstar e8m. Những sản phẩm này có kích thước nhỏ, công suất thấp, bao gồm phần míc gắn ở ve áo và phần loa có thể kẹp thẳng vào dây lưng. Tuy nhiên, dòng sản phẩm này có thời lượng sử dụng liên tục thấp, thông thường chỉ đạt 3-4 giờ. Giá sản phẩm dao động từ 700 nghìn tới 1,5 triệu đồng tùy theo chủng loại, mẫu mã. Loại máy này cũng có thể đáp ứng nhu cầu của những người làm hướng dẫn viên du lịch.

Tuy nhiên, khi mua phải các thiết bị trợ giảng kém chất lượng, người sử dụng thường đối mặt với một số “bệnh” như máy phát tiếng rít khi nói do hiện tượng cộng hưởng âm, thời gian sử dụng pin thực tế không như quảng cáo, âm thanh không trung thực, giọng nói bị méo, kẹt băng… Bởi vậy để lựa chọn được những thiết bị trợ giảng phù hợp, bảo đảm chất lượng cũng như tư vấn cách sử dụng, người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ thông tin thông qua các trang mạng bán lẻ, các nhân viên bán hàng tại cửa hàng trước khi mua.

Hotline: 0934.683.968

Tags :

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

Sản phẩm đã được thêm vào giỏ hàng

Số lượng:

Tổng tiền:

Sản phẩm đã được thêm vào giỏ hàng

Phí vận chuyển: Tính khi thanh toán

Tổng tiền thanh toán: